
Theo phong tục người Á Đông, hàng năm cứ vào rằm tháng 7, lễ Vu Lan lại được
tổ chức. Mọi người coi đây là dịp tưởng nhớ công ơn sinh thành và dưỡng dục của
cha mẹ, đồng thời cầu nguyện mọi điều tốt đẹp sẽ đến với họ. Trong lễ Vu Lan,
mỗi người tham gia
Ý nghĩa bông hồng cài áo lễ Vu Lan
Theo phong tục người Á Đông, hàng năm cứ vào rằm tháng 7, lễ Vu Lan lại được
tổ chức. Mọi người coi đây là dịp tưởng nhớ công ơn sinh thành và dưỡng dục của
cha mẹ, đồng thời cầu nguyện mọi điều tốt đẹp sẽ đến với họ. Trong lễ Vu Lan,
mỗi người tham gia đều cài trên trực áo mình một bông hồng mang một trong ba
màu sắc: trắng, đỏ hoặc vàng. Đây là phong tục lâu đời, được mọi người gìn giữ,
thế nhưng ý nghĩa thực sự của những bông hồng đó là gì, không phải tất cả đều
biết.
Hành động này bắt nguồn từ một chuyến sang thăm Nhật Bản của Thiền sư Thích
Nhất Hạnh. Trong chuyến thăm đó, thiền sư đã được người Nhật thành tâm cài
một bông hồng trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa đẹp đẽ
của hành động này, thiền sư viết một tác phẩm về mẹ năm 1960, soạn ấn phẩm
“Bông hồng cài áo” năm 1962 và từ đó, hoa hồng được chọn làm vật thiêng liêng,
cài lên áo trong lễ Vu Lan.
Trong thế giới tự nhiên, hoa hồng là chúa tể của các loài hoa, nó mang trên mình
vẻ đẹp cao quý và quyến rũ. Vì thế, việc cài hoa hồng lên áo một phần nào đó thể
hiện tấm lòng thành kính, trân trọng của mỗi người con mỗi khi hướng về các
đấng sinh thành. Bất kể độ tuổi, giới tính, cứ vào lễ Vu Lan, hình ảnh những người
con cài trên mình bông hồng cao quý, kính cẩn, nghiêng mình cầu nguyện luôn là
hình ảnh đẹp nhất, thiêng liêng nhất.
Ý nghĩa màu sắc hoa hồng
Hoa hồng cài áo có nhiều màu sắc khác nhau. Màu đỏ là màu của may mắn, của
hạnh phúc, và bông hồng màu đỏ dành cho những ai còn cả cha mẹ trên đời. Đây
là một niềm vui rất lớn khi những người thân yêu nhất vẫn còn bên cạnh bạn, từ
đó, nghĩa vụ làm con của bạn là phải hiếu thảo, trân kính cha mẹ mình.
Màu trắng là màu của sự chia ly, sự cô quạnh. Với ý nghĩa đó, hoa hồng trắng
dành cho những ai không may mắn mất mẹ cha. Đây là một mất mát rất lớn trong
cuộc đời mỗi con người. Cài bông hồng trắng lên áo, tâm nguyện của mỗi người
con bây giờ là mong cho cha mẹ sớm được siêu thoát, có cuộc sống an nhàn nếu
có kiếp sau. Đồng thời, đây cũng là thời gian để mỗi người con nhìn lại, biết trân
trọng cuộc sống hơn và điều chỉnh lại cách sống của một cách đúng nghĩa nhất,
sao cho không hổ thẹn với cha mẹ đã ra đi.
Hoa hồng màu vàng dành cho người xuất gia. Dù cho có nương nhờ cửa phật, họ
vẫn luôn kính cẩn nhớ về ơn nghĩa ban cho hình hài của mẹ cha. Cài bông hồng
vàng trên ngực, họ không chỉ cầu nguyện cho cha mẹ kiếp này mà rộng hơn, họ
cầu cho cha mẹ ở nhiều đời khác nữa. Trong giới Phật pháp, màu vàng mang một
ý nghĩa lớn lao. Màu vàng là màu của đất, màu của sự giải thoát, của sự bao dung,
từ bi hỷ xả. Vì thế màu vàng được chọn làm màu sắc chính trên trên phục của các
vị sư và bây giờ là trên bông hồng cài áo của họ trong ngày lễ Vu Lan trọng đại.
Có thể nói, lễ Vu Lan là một dịp lễ đặc biệt và bông hồng cài áo của mỗi người con
trong dịp lễ này mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, cao quý. Dù cuộc sống có
bộn bề, khó khăn đến đâu, đôi lúc chúng ta vẫn cần sống chậm lại, dành thời gian
cho bản thân và những người thương yêu mình, nhất là cha mẹ, bởi lẽ, đời người
thường ngắn ngủi, đừng để đến lúc mất đi, chúng ta mới biết trân trọng, níu giữ.
Lúc đó, dù bạn có thành tâm đến mấy, có kính cẩn cài bồng hoa trắng trên ngực
đến đâu, đó cũng là một điều đáng buồn và hối tiếc muộn màng.